“Bí mật” của Hương thầm




Phan Thị Thanh Nhàn và con gái (ảnh chụp năm 1979)

Còn nhớ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, khi bài thơ "Hương thầm” của Phan Thị Thanh Nhàn xuất hiện trên báo Văn nghệ lập tức đã được nhiều người chú ý. Đến năm 1969, khi "Hương thầm” đoạt giải nhì của tuần báo Văn nghệ (cùng với chùm thơ của Phạm Tiến Duật đoạt giải nhất) thì thơ ca lại một lần nữa có tác động mạnh vào tâm hồn nhiều độc giả, trở thành hành trang đồng hành cùng nhiều người. Bây giờ thì thi sĩ Phạm Tiến Duật đã trở về với những cánh rừng Trường Sơn. Còn nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã lên chức bà, hàng ngày vẫn làm bạn với "chàng internet” và chăm chỉ luyện tập thể thao. Thanh Nhàn không chỉ thuộc diện "tác giả 1 bài”, mà còn nhiều câu thơ hay khác nữa, ví như mấy câu thơ này: "Nếu anh đi với người yêu/ Chỉ xin anh nhớ một điều nhỏ thôi/ Con đường ta đã dạo chơi/ Xin đừng đi với một người khác em”. Tuy nhiên, cứ đến độ mùa hoa bưởi nở trắng góc vườn, trong tôi lại rộn lên khúc ca Hương thầm đã được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc: "Nào ai đã một lần dám nói/ Hương bưởi thơm cho lòng bối rối/ Cô bé như chùm hoa lặng lẽ/ Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu...”

Bài thơ hay, lại thêm được giai điệu âm nhạc chấp cánh lên sự lan tỏa và bay xa bây sâu cũng là điều dễ hiểu. Để bây giờ, nhắc tới Phan Thị Thanh Nhàn người ta cứ nhớ tới mỗi bài "Hương thầm”. Nghĩ về sự "thiệt thòi” ấy của Phan Thị Thanh Nhàn, tôi chợt nhớ tới cuốn sổ tay ghi cuộc trò chuyện với chị quanh xuất xứ bài thơ này. Cuốn sổ giờ đã cũ, nhưng tâm sự của chị thì dường như vẫn còn có ích với độc giả hôm nay. Vì thế tôi xin ghi ra đây, để độc giả không chỉ nhớ đến hương thầm mà còn hiểu về nguồn gốc bài thơ.
 
"Ngày đó trên mảnh sân sau nhà tôi ở dốc đê Yên Phụ (Hà Nội) có một cây bưởi. Năm nào cũng thế, cứ đến cữ này là hoa bưởi nở trắng muốt cả cây, hương thơm ngan ngát tỏa. Khi còn bé, tôi thường rủ đám bạn gái đến nhà chơi. Cả bọn gom những cánh hoa bưởi thành một đống rồi bày trò "tiễn đưa hoa”. Rồi khi lớn lên, tôi vẫn thích "chơi” với hoa bưởi. Tôi hay nhặt những bông hoa bưởi rụng, còn nguyên vẹn, mang vào bàn làm việc của mình, có khi lại cho cả vào túi sách mang đến cơ quan” - Phan Thị Thanh Nhàn kể.

 
Nhiều người vẫn nghĩ bài thơ đó Thanh Nhàn viết cho mối tình đầu thầm kín của mình. Nhưng nếu nghe những tâm sự này của chị, bạn đọc sẽ càng hiểu rõ hơn ý nghĩa của tựa đề bài thơ: "Tôi viết bài thơ "Hương thầm” không phải để tặng cho mình mà là viết tặng cho cậu em trai thứ 6 tên là Khải, khi đó mới vào tuổi 20. Viết về tình yêu của em trai với một cô hàng xóm, học cùng trường, có tình ý với nhau mà không ai dám nói, cứ nhẹ nhàng, thầm kín – một tình yêu không nói thành lời. Cũng như bao thanh niên khác, em trai tôi cũng vào bộ đội. Sau khi bài thơ in trên báo, tôi nhận được bức thư của em trai từ chiến trường khốc liệt thông báo: "Em nghe đài ngâm bài thơ "Hương thầm” của chị”. Chưa kịp viết thư cho em rằng: "Bài thơ viết về em đó”, thì tôi đã nhận được tin em đã hy sinh”.

 
Bây giờ thì "Hương thầm” đã đi qua tuổi 40. Cũng đã hơn 40 năm qua, nguyên mẫu chàng trai trong bài thơ đã vĩnh viễn yên giấc cùng đồng đội. Nhưng mối tình đẹp của anh với cô hàng xóm vẫn trong veo như tuổi xuân, như hương hoa bưởi âm thầm mà lan tỏa.

Hương Liên